Trên thực tế, đa số môi trường làm việc các đơn vị sản xuất trong các làng nghề có nồng độ bụi, tiếng ồn, hóa chất... vượt mức cho phép.Việc xây dựng thương hiệu của các làng nghề không phải là vấn đề đơn giản mà cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó vấn đề đảm bảo quyền của người lao động làm việc tại các làng nghề, trong đó có quyền được bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cần được xem xét, quan tâm hơn nữa.
Ở Việt Nam, các làng nghề không chỉ có ý nghĩa trong việc giữ gìn, bảo vệ những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn góp phần vào việc giải quyết việc làm và tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước. Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2014, cả nước có 5.096 làng nghề, thu hút khoảng 10 triệu lao động 2. Trong xu thế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, các làng nghề chịu sự cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Sản phẩm của các làng nghề tuy đa dạng về chủng loại, có tính mỹ thuật nhưng ít sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của các làng nghề nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh là vấn đề cấp thiết, có tính quyết định đến sự phát triển của các làng nghề ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, việc xây dựng thương hiệu của các làng nghề không phải là vấn đề đơn giản mà cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó vấn đề đảm bảo quyền của người lao động làm việc tại các làng nghề cần được xem xét, quan tâm hơn nữa. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin đề cập đến vấn đề thực trạng quyền được đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của người lao động, một trong những vấn đề nổi cộm trong việc xây dựng thương hiệu ở các làng nghề Việt Nam hiện nay.
Quyền được đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động trong pháp luật lao động Việt Nam và thực trạng thực thi ở các làng nghề Việt Nam
Trong quan hệ lao động, quyền được đảm bảo ATVSLĐ có thể hiểu là quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ, một trong những quyền nhân thân của người lao động được ghi nhận và thừa nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế của Liên hợp quốc (UN) và Tổ chức lao động thế giới (ILO).
Ở nước ta, quyền của người lao động trong đó có quyền được đảm bảo ATVSLĐ là quyền Hiến định. Hiến pháp năm 2013 quy định: “... 2. Người làm công ăn lương được đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi...”(Khoản 1, Điều 35). Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ 2012), Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 (Luật ATVSLĐ 2015) cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định chặt chẽ các nội dung, tạo cơ sở pháp lý để quyền được đảm bảo ATVSLĐ của người lao động được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Các nội dung chủ yếu của quyền được đảm bảo ATVSLĐ được quy định trong pháp luật lao động Việt Nam như sau: bảo đảm môi trường làm việc an toàn, vệ sinh; đảm bảo sức khỏe cho người lao động trong quá trình lao động; các chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc xử lý hành vi vi phạm quy định về ATVSLĐ.
Môi trường làm việc là nơi mà người lao động thường xuyên thực hiện nhiệm vụ, công việc được phân công cho nên nó có tác động rất lớn đến sức khỏe của người lao động. Môi trường làm việc bảo đảm ATVSLĐ sẽ đảm bảo sức khỏe cho người lao động, ngược lại sẽ gây tổn hại sức khỏe của họ. Do vậy, pháp luật quy định các tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng, độ sáng, nồng độ cho phép về bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác... mà người sử dụng lao động phải tuân thủ nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn, vệ sinh cho người lao động. Đồng thời pháp luật cũng quy định người sử dụng lao động phải định kỳ kiểm tra đo lường, đánh giá môi trường làm việc theo các tiêu chuẩn trên nhằm tránh phát sinh những yếu tố có thể gây ra ô nhiễm, độc hại trong môi trường làm việc. Về phía người lao động, Nhà nước quy định người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khoẻ của mình. Người lao động cũng có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về ATVSLĐ và nội quy lao động của doanh nghiệp (các Điều 133, 136, 137 Bộ LLĐ 2012, các Điều 6, 7, 12, 18, 21, 23 Luật ATVSLĐ 2015...). Những quy định pháp luật này là rất cần thiết nhằm đảm bảo môi trường làm việc luôn được bảo đảm an toàn, vệ sinh , không gây tổn hại sức khỏe của người lao động.
Trên thực tế, đa số môi trường làm việc các đơn vị sản xuất trong các làng nghề có nồng độ bụi, tiếng ồn, hóa chất... vượt mức cho phép. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là vì lợi nhuận mà người sử dụng lao động không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về môi trường làm việc. Theo số liệu thống kê cho thấy, hơn 90% người lao động nông nghiệp và làng nghề tiếp xúc các yếu tố nóng, bụi là 65,89%, tiếng ồn: 48,8%, hóa chất: 59,5%... Môi trường làm việc bị ô nhiễm làm gia tăng bệnh nghề nghiệp ở các làng nghề. Theo số liệu thông kê cho thấy, hơn 50% số người lao động tại các làng nghề bị nhiễm bệnh liên quan đến hô hấp...
Trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động thường có xu hướng lạm dụng sức lao động của người lao động để thu được nhiều lợi ích hơn và đây cũng là một nguyên nhân gây tổn hại sức khỏe của người lao động. Vì vậy, Nhà nước quy định những nội dung cơ bản nhằm bảo vệ sức khỏe của người lao động và loại bỏ tình trạng lạm dụng sức lao động, như: người lao động phải có chứng nhận đủ sức khỏe của cơ sở y tế trước khi được tuyển dụng; được khám sức khỏe định kỳ; khám sức khỏe phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp; giám định sức khỏe trong trường hợp bị bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, được bồi dưỡng bằng hiện vật khi làm công việc hoặc làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hiểm, độc hại…; người sử dụng lao động có trách nhiệm phân công công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho tất cả người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề, thử việc trong đơn vị mình; lập hồ sơ vệ sinh lao động; xét nghiệm, kiểm tra môi trường lao động ở đơn vị mình... Pháp luật cũng quy định chế độ an toàn, vệ sinh lao động ưu tiên đối với lao động đặc thù (lao động nữ, lao động là người khuyết tật...), như: quy định danh mục các công việc cấm sử dụng lao động đặc thù; rút ngắn thời giờ làm việc, cấm huy động làm đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa… Hơn thế nữa, pháp luật còn quy định trách nhiệm của Y tế xã, phường, thị trấn; trách nhiệm của Trung tâm y tế dự phòng cấp huyện, cấp tỉnh; trách nhiệm của Trung tâm y tế các bộ, ngành có liên quan trong việc bảo vệ sức khỏe của người lao động (các Điều 138; 139; 147; 148; 149; 150; 152, 153, 157... Bộ LLĐ 2012, các Điều 13, 14, 15, 63, 64... Luật ATVSLĐ 2015...).
Bên cạnh những quy định pháp luật bảo vệ sức khỏe của người lao động, Nhà nước quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp, bị tai nạn lao động (các Điều 140, 141, 142, 143, 144, 145 Bộ LLĐ 2012 và các Điều 19, 24, 26, 27, 38, 39 Luật ATVSLĐ 2015...). Theo đó, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm từ việc sơ cứu, điều trị, trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động, bị bệnh nghề nghiệp, đến việc bố trí công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động sau khi đã được điều trị... Những quy định pháp luật này là rất cần thiết, nó không chỉ nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động khi rơi vào hoàn cảnh bị bệnh nghề nghiệp, bị tai nạn lao động mà còn nhằm tăng trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm ATVSLĐ ở đơn vị của mình.
Tuy nhiên, trên thực tế ở các làng nghề cho thấy, để tiết kiệm chi phí, thu nhiều lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh không quan tâm đến việc thực hiện các quy định về đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, máy móc sử dụng trong sản xuất tại các làng nghề phần lớn không đảm bảo an toàn, không có tài liệu kỹ thuật để hướng dẫn vận hành thiết bị...; gần 80% các khâu trong dây chuyền công nghệ người lao động phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, vất vả; người lao động không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và bản thân họ cũng không quan tâm đến việc tự bảo vệ mình... Trong khi đó, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc trách nhiệm đối với người sử dụng lao động rất khó thực hiện. Kết quả điều tra 1.655 cơ sở sản xuất cá thể năm 2015 cho thấy, chỉ có 4,57% cơ sở sản xuất chính thức quy định bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động có quyền quản lý, phân công lao động. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh có thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ hay không phụ thuộc phần lớn vào ý thức tuân thủ pháp luật của người sử dụng lao động. Do vậy, để tăng tính khả thi của pháp luật, Nhà nước quy định hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ với các mức phạt khác nhau (Điều 90 Luật ATVSLĐ và các Điều 16, 17, 18, 19, 21... của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...). Nhà nước cũng ban hành các quy định về thanh tra ATVSLĐ ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ.
Tuy nhiên, có thể thấy các mức độ xử phạt trong Nghị định số 95/2013/NĐ-CP chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răn đe đối với người sử dụng lao động. Đồng thời, số các cuộc thanh tra lao động nói chung và thanh tra ATVSLĐ nói riêng còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Theo số liệu thống kê trong năm 2016, thanh tra ngành lao động thực hiện được 443 cuộc thanh, kiểm tra, trong đó thanh tra về ATVSLĐ được 112 đơn vị Những hạn chế trên có thể làm ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật về ATVSLĐ ở các làng nghề hiện nay.
Một số kiến nghị
Để các quy định pháp luật về ATVSLĐ được thực hiện đầy đủ, góp phần tích cực vào việc xây dựng thương hiệu ở các làng nghề Việt Nam, giải pháp sau có thể giải quyết được vấn đề trên:
Thứ nhất, hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm pháp luật về ATVSLĐ trong Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 theo hướng bổ sung hình thức xử phạt, như: đóng cửa đơn vị trong một thời gian, rút giấy phép kinh doanh...
Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ (ít nhất 01 năm/1 lần ở mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh) để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ ở các làng nghề.
Thứ ba, tăng cường công tác giáo dục về pháp luật lao động, pháp luật về ATVSLĐ cho cả người sử dụng lao động và người lao động ở các làng nghề để giúp họ hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động cũng như nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của họ.
Thứ tư, khuyến khích các đơn vị trong làng nghề lựa chọn, áp dụng các Bản quy tắc ứng xử đã được nhiều doanh nghiệp trên thế giới áp dụng như: SA 8000 (tiêu chuẩn về quản lý lao động); OHSAS 18001:2007 (hệ thống tiêu chuẩn quản lý về sức khỏe và an toàn quốc tế) ... những Bản quy tắc này không chỉ giúp cho các làng nghề tăng cường được chất lượng sản phẩm mà còn góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tiến bộ.
TS. Trần Nguyên Cường
Các bài khác
- BẢNG BÁO GIÁ 2024 (02.01.2018)
- Cty MT safety Trao tặng 72 phần quà cho người già và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Phú Hậu, Xã Cát Chánh, Huyện Phù Cát, Tỉnh Bình Định (14.01.2019)
- Diễn tập chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phối hợp nhiều lực lượng: Nâng khả năng ứng cứu và xử lý sự cố tại cơ sở (30.12.2017)
- Tuyên truyền pháp luật cho công nhân lao động (30.12.2017)
- Công bố Quyết định thành lập Viện Khoa học An toàn, vệ sinh lao động TPHCM (30.12.2017)
- Hỗ trợ đến 30% mức đóng đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện (30.12.2017)
- Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương tổ chức tổng kết kết quả công tác lần thứ I năm 2017 (30.12.2017)
- Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phương tiện bảo vệ cá nhân – bảo vệ mắt (30.12.2017)